Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc tọa lạc số 123/1, đường Phạm Hữu Lầu, thuộc phường 4, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Việt Nam. Đây là nơi an nghỉ của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (1862–1929).
Cụ Nguyễn Sinh Sắc là thân phụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ sinh năm Nhâm Tuất (1862) tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm Giáp Ngọ (1894), cụ đỗ Cử nhân, năm Tân Sửu (1901), cụ đỗ Phó bảng và năm 1906 nhậm chức “Thừa Biện Bộ Lễ”, sau đó là Tri phủ lĩnh nhiệm Tri huyện Bình Khê (Bình Định). Trong thời gian làm quan, cụ luôn đứng về phía dân nghèo và truyền bá tư tưởng yêu nước, thương dân.
Sau đó, cụ về ở tại làng Hòa An, Cao Lãnh tiếp tục truyền bá chủ nghĩa yêu nước trong nhân dân và bốc thuốc, chữa bệnh cho bà con. Cụ mất vào ngày 27 tháng 10 năm Kỷ Tỵ, nhằm ngày 27 tháng 11 năm 1929 dương lịch, hưởng thọ 67 tuổi.
Sau khi cụ Nguyễn Sinh Sắc qua đời, cảm phục trước tấm lòng yêu nước, thương dân của cụ, nhân dân địa phương đã tổ chức an táng cụ tại địa phương. Sau này trong thời gian kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Đồng Tháp đã kiên cường đấu tranh để giữ gìn, bảo vệ phần mộ của cụ. Sau khi đất nước thống nhất, ngày 22-8-1975, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Tháp đã tiếp tục gìn giữ, tôn tạo mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc để tỏ lòng biết ơn và tôn kính đối với người cha thân yêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày nay khu Di tích đã trở thành một quần thể công trình lịch sử văn hóa lưu niệm của tỉnh Đồng Tháp và đồng bằng sông Cửu Long. Phần độc đáo nhất của công trình là vòm mộ cụ Phó bảng, mang dáng dấp một đài sen với chín đầu rồng, tượng trưng cho tấm lòng nhân dân đồng bằng sông Cửu Long đối với Cụ.
Năm 1992 khu lưu niệm được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa theo Quyết định số 420 QĐ/BT ngày 9-4-1992.
Di tích mở cửa các ngày trong tuần (trừ thứ Hai).
Địa chỉ: Số 123/1/ Phạm Hữu Lầu, phường 4, thị xã Cao Lãnh, Đồng Tháp.